Tuesday, January 26, 2010

MA QUỶ CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?

Phật Pháp Vấn Đáp: 28-1-2010

1
Hỏi: Phải chăng từ ngữ "phi nhân" trong kinh điển chỉ cho ma quỷ?
Phi nhân thường được dùng chỉ cho các hạng hóa sanh không phải loại người. Trong đó kể cả chư thiên, dạ xoa, a tu la, ngạ quỹ sống trên địa cầu giữa nhân loại.

Hỏi: Phi nhân có thể hại người không?
Có thể và cũng không thể. Tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân. Câu hỏi nầy giống như hỏi chúng ta đi đường có thể bị trộm cướp không. Thông thường chuyện đó ít xẩy ra nhưng không phải là không xẩy ra.

Hỏi: Làm sao để ma quỷ khỏi nhiễu hại?
Không nên tự ám ảnh chính mình. Trong kinh điển thường nói đến ba cách ngăn ngừa phi nhân quấy nhiễu: thường niệm tưởng ân đức Phật, tu tập tâm từ, năng hồi hướng phước cho chư thiên.

SỰ VÔ THƯỜNG NÊN ĐƯỢC NHẬN THỨC THẾ NÀO

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP, THỨ BA 26-1-2010


1
Hỏi: Chiều kích của thời gian và không gian ảnh hưởng sự nhận thức về vô thường ra sao?
Đáp: Sự thay đổi mau chậm của sự vật ảnh hưởng lớn sự nhận thức của tâm về trạng thái vô thường. Thí dụ những biến đổi địa chất thường quá chậm khiến người ta cảm thấy núi non dường như luôn luôn bất động; hay sự tuôn chảy không ngừng nghỉ của dòng sông khiến chúng ta cảm giác như giòng nước lúc nào cũng vậy. Thiền quán và tuệ quán giúp hành giả nhận thức sự vô thường chân xác hơn.

2
Hỏi: Sự "nhàm chán đối với các hành" trong các bản dịch Việt ngữ nên được hiểu như thế nào?
Đáp: Nói một cách khác là không ái chấp, dính mắc với các pháp hữu vi. Chữ nhàm chán trong tiếng Việt thường mang tính tiêu cực. Trong ngữ cảnh của kinh văn nên hiểu là "không nên tha thiết với điều không đáng tha thiết"

3
Hỏi: Phải chăng khi nhận thức về vô thường chỉ nên nhận thức trực tiếp thí dụ như quán sát hơn thở, sự thay đổi của các oai nghi (tư thế).. hơn là suy diễn?
Không hẳn như vậy. Trong pháp quán niệm xứ có nhiều phần dựa trên sự suy luận. Trí tuệ có thể sắc bén do cả ba phương diện: học hỏi, suy tư và quán chiếu. Giống như trong khoa học vật lý ngày nay có rất nhiều định lý dựa trên tư duy chứ không thể bằng dụng cụ đo đạt.

Monday, January 25, 2010

KHUYNH HƯỚNG CÁ NHÂN

Hỏi: Trong Phật Pháp có lời dạy nào tương đồng với câu "nhân chi sơ, tánh bổn thiện" không?

Giáo lý nghiệp báo cho thấy mỗi chúng sanh chào đời đều thừa hưởng nghiệp quá khứ, kể cả thói quen thô tế. Hai em bé cùng tuổi sanh ra trong một gia đình với bối cảnh giống nhau nhưng vẫn có nhiều cá tánh sai biệt. Không có bằng cớ nào xác định là lúc mới sinh ra con người có cá tính và khuynh hướng giống nhau.

Hỏi: Trong mỗi con người đều có cả hai phần thiện và bất thiện vậy thì cái nào là khuynh hướng thật sự?

Mặc dù trong tâm của chúng sanh có cả tánh thiện, tánh bất thiện và những trạng thái ngoài hai thiện ác nhưng vẫn có những pháp vượt trội. Thí dụ trong A Tỳ Đàm nói đến "tứ trưởng" hay các Quyền (indriya).

Hỏi: Nếu một người không thích gần người thiện thì sự miễn cưỡng, dù bằng thiện chí, có "phản tác dụng" chăng?

Không phải chỉ có hai khuynh hướng duy nhất là thiện hay bất thiện. Trong khuynh hướng thiện cũng có nhiều ý hướng cá biệt. Nên nhớ rằng "môi trường thoải mái" và "môi trường lơi lạc" không nhất thiết là một. Nên tự vấn là hoàn cảnh mình hướng đến có lợi ích lâu dài cho sự tu tập bản thân hay không.

Saturday, January 23, 2010

Nên quan niệm thế nào về chuyện may rủi

Hỏi: Đức Phật đã viên tịch niết bàn vậy uy đức của Phật hiển hiện như thế nào?
Đáp: Uy đức của Phật cũng như Pháp và Tăng không thỏể quan niệm theo cách suy nghĩ đơn thuần là một cá thể thần linh mà chính ở uy đức (guna) và sự cảm nhận của người tưởng nghĩ đến Tam Bảo.

Hỏi: Phải chăng luôn luôn lạc quan tin tưởng ở sự may mắn tốt hơn là lo lắng những rủi ro có thể xẩy ra?

Đáp: Thái độ tích cực của tinh thần không phải chỉ có hy vọng ở điều tốt đẹp mà còn chuẩn bị cho những bất trắc và có khả năng kham nhẫn trước những điều ngoài ý muốn.

Hỏi: Đồng ý là thắng bại tạo thành vui buồn nhưng nếu không có thắng bại rủi may thì đời sống có vô vị chăng?

Đáp: Có những niềm vui vô hại mà cũng có những niềm vui mang lại bất hạnh. Mình vui mà vì đó mà người khác buồn thường là niềm vui chứa nhiều độc tố.

Thursday, January 21, 2010

Người Phật tử quan niệm thế nào về sự cầu nguyện?

V. Phải chăng giáo lý nghiệp báo phủ nhận giá trị của tha lực?
Đ. Giáo lý nghiệp báo đề cập nhiều năng lực, ảnh hưởng. Có những năng lực nội tại, có năng lực ngoại giới. Tuy vậy dòng tâm thức của mỗi cá nhân, trong đó chủ tâm tạo tác (cetana), là nhân tố quyết định quan trọng nhất để tạo nghiệp. Phủ nhận vai trò chủ chốt của nội tâm trong việc tạo quả là hiểu không chính xác về nghiệp báo trong Phật Pháp.

V. Nếu cầu nguyện, dù linh ứng hay không, nhưng nhất thời cũng trấn an được sự lo lắng thì sự cầu nguyện đó có được khuyến khích trong Phật giáo không?
Đ. Sự trấn an nhất thời không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi có thể tạo nên lo âu, nghi hoặc thầm kín khác. Ngài Walpola Rahula gọi đó là một thái độ chính trị chứ không phải là thái độ hiểu biết. Bên cạnh sự cầu nguyện thì sự can đảm, kham nhẫn, sáng suốt là những thái độ rất lợi lạc.

V. Nếu nói chính xác thì người Phật tử có cầu nguyện không? và cầu nguyện với đấng thiêng liêng nào?
Đ. Từ ngữ thường dùng cho người Phật tử là "nguyện" hay vận dụng năng lực thiêng liêng cho tâm nguyện gì đó. Người Phật tử tin vào uy lực của Tam Bảo, sự hộ trì thương tưởng của chư thiên và năng lực của phước báu từ thiện hạnh.

Lời ngỏ

Blog nầy được tạo ra cho chương trình Phật Buddhadhamma. Tuy vậy có thể dùng cho đại chúng để tìm hiểu Phật Pháp. Ghi lại câu hỏi tại blog nầy sẽ có câu trả lời. Những câu hỏi liên quan tới Phật Pháp, Phật sự đều tốt để thảo luận.

TK GIÁC ĐẲNG