Câu chuyện trong ngày 21-6-2010
NGŨ CĂN
Tất cả hành giả tu tập cần biết cơ sở căn bản của đời sống nội tâm
10. X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)
1) Tại Savatthi, ... Thế Tôn thuyết
2) -- Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ... an trú Thiền thứ hai... an trú Thiền thứ ba... từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.
8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.
Thảo luận
1. Ngũ căn ở đây là "vốn liếng" đã có hay là pháp đang được huân tập?
2. Tại sao tín căn ở đây chỉ nêu lên niềm tin ở Phật mà không có pháp và tăng?
3. Thế nào là "gánh nặng đối với thiện pháp"?
4. Chữ "căn" ở đây và chữ "căn tu" thường được nói có giống nhau chăng?
Đố vui
Nói về tiền trong doanh nghiệp thì có tiền vốn và tiền lời. Đa số lấy lời khuyếch trương số vốn. Trong sự tu tập có sự kiện tương tự như vậy chăng?
a. Có. Nếu người lấy thành quả tu tập tạo thành thắng duyên để đi tới đó là lấy quả tạo thêm nhân lành.
b. Nghiệp tạo quả; quả có thể là duyên sanh phiền não hay thiện tâm; tâm thiện và bất thiện lại tạo quả đó là vòng luân chuyển.
c. Những thành quả trong sự tu tập có thể dùng làm lực đẩy cho hành trình tu tập
d. Cả ba câu trên đều đúng.
No comments:
Post a Comment